Từ thời gian hòa bình lập lại (1954) đến khi thống nhất đất nước (1975), ngành công thương đã trở thành kinh tế mũi nhọn, làm động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế vượt bậc ở miền Bắc, làm tốt nhiệm vụ chi viện cho cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu từ mức tổng giá trị đạt hơn 3 tỷ USD lúc mới đổi mới (năm 1986), ngày nay đã tăng hơn 100 lần, đạt 327 tỷ USD (năm 2015), trong đó xuất khẩu đã vượt 80% GDP.
Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, chủ yếu là dịch vụ phân phối hàng hóa tăng lên nhanh chóng, tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế, trong đó có 2,5 triệu cá nhân, hộ gia đình.
Ngoài ra còn có hơn 5.000 văn phòng đại diện và 50 chi nhánh của thương nhân nước ngoài, Tập đoàn nước ngoài tham gia kinh doanh siêu thị (Metro, Bourbon, Parkson...) tham gia dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ) và các hoạt động phụ trợ khác như nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại...
Trước yêu cầu của bối cảnh mới, ngành công thương cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế hợp lý, tích cực chủ trì, tham gia các tổ chức quốc tế và ký kết các Hiệp định hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và thương mại.
Đặc biệt, cùng với thực hiện các cải cách bên trong ngành, đoàn đàm phán Việt Nam đã tiến hành thương lượng thành công hơn 10 Hiệp định tự do thương mại FTA, nhất là FTA trong phạm vi cộng đồng ASEAN, Hiệp định FTA với EU với chất lượng cao (“thế hệ mới”) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong phạm vi 12 nước của châu Á-Thái Bình Dương.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tăng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành công thương, nhằm ghi nhận đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|