Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới. Giúp việc cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam có 13 bộ, trong đó có Bộ Thông tin - Tuyên truyền (tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay). Trên cơ sở đó, tháng 2 vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định lấy ngày 28/8 hàng năm là ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh, đến nay ngành Thông tin và Truyền thông đã trở thành một ngành vững về chính trị, mạnh về kinh tế, có kết cấu hạ tầng hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Hiện, cả nước có 859 cơ quan báo, tạp chí in; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; 76 Đài phát thanh truyền hình với khoảng 180 kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, 71 năm đồng hành và phát triển cùng dân tộc, nhất là sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, ngành Thông tin và Truyền thông đã không ngừng lớn mạnh toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và đặc biệt là công nghệ thông tin. Chủ tịch Quốc hội lưu ý sự phát triển vượt bậc trong khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã và đang tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế xã hội, đòi hỏi lĩnh vực thông tin truyền thông cần tích cực, chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế, làm chủ công nghệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa là người đi tiên phong vừa là người kết nối.
|